Nhân vật & Sự kiện

Đã đến lúc định nghĩa lại phim ảnh ở Trung Quốc

05/01/2015

Chỉ vài ngày sau khi Tiểu thời đại 3, bộ phim lãng mạn do nhà văn Quách Kính Minh đạo diễn, ra mắt, cư dân mạng ở Trung Quốc đã cười cợt về tác phẩm này theo nhiều kiểu khác nhau.

“Nếu Tiểu thời đạiTiểu thời đại 2 là video ca nhạc, thì phần mới nhất này là trình diễn PowerPoint,” là một câu nói đùa hiện thời. Trong khi đó, trên trang mạng thương mại điện tử taobao.com, một vài quầy bắt đầu bán mặt nạ với quảng cáo: cách tuyệt vời để tránh bị bạn bè nhận ra khi đi xem Tiểu thời đại 3.

Tiểu thời đại 3 là cuộc trình diễn PowerPoint

Bất chấp nhận định chung rằng Tiểu thời đại 3 không phải phim hay, tác phẩm này vẫn kiếm được trên 300 triệu tệ (48 triệu đôla) chỉ trong bốn ngày, khiến bộ ba phim vượt qua mốc 1 tỉ nhân dân tệ về mặt doanh thu phòng vé, phá kỷ lục đối với một loạt phim nội địa.

Mặc dù chưa có ai tìm ra lý giải thỏa đáng về điều gì đang diễn ra ở ngành điện ảnh Trung Quốc, tất cả mọi người đồng tình rằng đây là thời điểm thú vị, thời điểm của những bất ngờ và thay đổi.

Phục vụ người hâm mộ

Trong ngành giải trí quốc tế, ảnh hưởng của người nổi tiếng đối với một bộ phim không còn là điều mới mẻ. Một số diễn viên hay đạo diễn thực sự bán vé tốt hơn những người khác. Tuy nhiên, không hiện tượng nào từng được chứng kiến ở những thị trường này có thể so sánh với tình trạng hiện tại trong ngành điện ảnh Trung Quốc – dường như hầu như bất cứ thứ gì đều có thể đưa lên màn ảnh và có khán giả miễn là đã có lực lượng người hâm mộ vững chắc.

Cảnh trong phim Tiểu thời đại 3

Tiểu thời đại 3 được định vị là phim thương mại chuẩn mực,” Quách Kính Minh viết trên ghi chú đạo diễn của anh, ghi chú này được anh đưa lên sina.com. Theo nhìn nhận của đạo diễn Quách, mục tiêu của Tiểu thời đại 3 là cung cấp cho khán giả thứ họ muốn – ngay cả những cảnh hậu 'credit', trong đó các diễn viên đổi vai và đóng lại những cảnh trong bộ phim, được dàn dựng công phu để thu hút thị hiếu của khán giả.

Quách Kính Minh cho biết ý đồ của anh đằng sau hành động này này là xóa nhòa ranh giới giữa cuốn tiểu thuyết anh viết – nguyên gốc từ đó bộ phim dựa trên – và bộ phim anh đạo diễn, khiến khán giả không chỉ yêu thích các nhân vật mà còn yêu thích cả các diễn viên.

“Vũ khí tối ưu nhất để đạt được điều đó là những cảnh hậu 'credit', trong đó các diễn viên là tổng hòa của bản thân họ và nhân vật. Khán giả có thể cảm động trước tình bạn giữa các diễn viên ngoài đời thật cũng như cốt truyện của bộ phim… Điều này sẽ giúp diễn viên nổi tiếng hơn và khi đó khán giả cũng sẽ trung thành hơn với loạt phim Tiểu thời đại,” Quách Kính Minh viết.

Cảnh trong phim The Continent

Một nhà văn nổi tiếng khác chuyển sang làm đạo diễn là Hàn Hàn, bộ phim mới của anh mang tựa đề The Continent. Mặc dù lần đầu tiên đạo diễn, Hàn Hàn có vẻ không quan tâm nhiều đến sự chú ý của khán giả như Quách Kính Minh. Trong một cuộc phỏng vấn với nguyệt san Portrait, Hàn Hàn thừa nhận, “Tôi cảm thấy đúng là cách biểu đạt của tôi không quan tâm đến thị trường đã giành được cảm tình của một bộ phận khán giả, điều đó nghĩa là tôi thậm chí có thể ít lo lắng về thị trường hơn nữa.”

Phim của Hàn Hàn là chủ đề nóng trên các mạng xã hội từ khi anh thông báo thử làm đạo diễn. Một thần tượng nổi loạn từ thời niên thiếu, hình ảnh của Hàn Hàn trong vai trò một nhà văn ăn khách, một tay đua xe và một người viết blog nổi tiếng đã xây dựng lực lượng người hâm mộ đông đảo gồm những người ủng hộ trẻ tuổi yêu thích thái độ vui vẻ, vô lo của anh. Vì lẽ đó, không ngạc nhiên khi bộ phim mới của anh được nhiều người coi là đặc biệt nhắm vào những người hâm mộ Hàn Hàn.

Thứ gì cũng có thể thành phim

Những phim mà khán giả Trung Quốc đang bỏ tiền ra để xem ở rạp không còn như những bộ phim thời xưa nữa. Bây giờ các bộ phim tài liệu về những câu chuyện hậu trường của một chương trình truyền hình, hay một tập dài của một chương trình truyền hình thực tế đang được lăng xê như một bộ phim và bán cho người hâm mộ.

Áp phích phim Bố ơi, mình đi đâu thế?

Ra mắt cuối tháng 7 vừa qua là No Zuo No Die / Tôi chính là tôi, tựa phim đặt theo một câu tiếng Anh kiểu Trung Quốc nổi tiếng trên mạng nghĩa là nếu bạn không làm chuyện ngớ ngẩn thì chuyện đó sẽ không quay lại ám bạn. Một bộ phim tài liệu kỷ niệm chặng đường phát triển mười năm của một chương trình thi đấu giải trí thực tế trên truyền hình ở Trung Quốc, bộ phim quy tụ những thí sinh hàng đầu từ chương trình thực tế Happy Boys mùa vừa qua.

Dưới sự chỉ đạo của Phạm Lập Hân, đạo diễn từng đoạt giải, người thực hiện Last Train Home đoạt giải Phim tài liệu hay nhất tại Liên hoan phim tài liệu quốc tế 2009 Amsterdam, No Zuo No Die là bộ phim thứ ba dựa trên chương trình thực tế sau I Want You (dựa trên The Voice of China) và bản điện ảnh của chương trình truyền hình thực tế nổi tiếng Bố ơi, mình đi đâu thế?.

Về phần nhiều người còn thắc mắc vì sao một đạo diễn như Phạm Lập Hân lại muốn thực hiện dự án kiểu này, đạo diễn giải thích trên trang hỏi đáp zhihu.com rằng mục tiêu của anh luôn luôn là miêu tả điều đang diễn ra trong xã hội, và vì nhiều người trẻ tuổi với hoàn cảnh xã hội khác nhau theo đuổi giấc mơ của họ thông qua các chương trình thực tế cũng là phản ánh xã hội Trung Quốc hiện nay, bộ phim phù hợp một cách tự nhiên.

Áp phích phim No Zuo No Die

“Tôi không coi No Zuo No Die là phim nhắm tới người hâm mộ. Tôi nghĩ đó là câu chuyện về tuổi trẻ và ước mơ,” đạo diễn Phạm nói.

Trương Văn Bác, giám đốc điều hành công ty tiếp thị điện ảnh Bravo Entertainment và là chuyên gia trong ngành đã lăng-xê thành công những bộ phim như Love Is Not BlindBố ơi, mình đi đâu thế?, vừa đề xuất quan điểm về những tác phẩm được gọi là “phim dành cho người hâm mộ” trong một cuộc phỏng vấn với trang web thương mại huxiu.com.

“Đã đến lúc định nghĩa lại phim ảnh,” Trương Văn Bác nói. “Rõ ràng các sản phẩm video trực tuyến nổi tiếng có thể làm thành phim. Những sản phẩm đó vượt quá phạm vi kinh nghiệm trong quá khứ của chúng ta, thế nên chúng ta không thể căn cứ vào những tri thức ngày trước về ngành điện ảnh để lý giải hiện tượng này. Chúng ta phải tìm hiểu khán giả, đặt bản thân mình vào vị trí của họ và sẵn sàng chấp nhận mọi thay đổi có thể xảy ra.”

Ngành điện ảnh đang phát triển

Tiểu thời đại 3 không thể “làm rầu” ngành hay thị trường điện ảnh Trung Quốc vì bộ phim đã ở mức tệ hại nhất rồi. Transformers 4 là minh chứng rõ nhất cho điều đó,” đạo diễn Trương Tường Vũ viết trên Sina Weibo của anh.

Áp phích phim I Want You

Mặc dù đầy rẫy lo lắng về chất lượng của các bộ phim trên, không thể phủ nhận rằng sự tồn tại của những bộ phim này đã làm thay đổi cảnh quang của ngành điện ảnh Trung Quốc.

Ví dụ, nhiều người trong ngành chấp nhận sự thật rằng đôi khi một chiến lược tiếp thị hiệu quả có thể quan trọng hơn bản thân bộ phim về mặt tạo ảnh hưởng ở phòng vé.

Chỉ cần nhìn vào những áp phích, giờ đây bạn có thể tìm thấy tên của đội ngũ tiếp thị được ghi tương đương với tên của các diễn viên, thay đổi này cho thấy tầm quan trọng của tiếp thị trong việc đảm bảo thành công của bộ phim.

Trong khi đó, nhiều nhà làm phim đang chuyển sang huy động vốn từ cộng đồng để thực hiện những bộ phim của họ, nhiều người chứng kiến thay đổi tích cực.

“Bạn không bao giờ được nói người tiêu dùng sai. Nếu ai đó sẵn sàng trả tiền cho loại sản phẩm mới này, chúng ta phải tìm hiểu lý do,” Trương Văn Bác bình luận trong cuộc phỏng vấn với huxiu.com.

Dịch: © Xuân Hoa @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Global Times


Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên Facebook của chúng tôi