Các nhà làm phim trẻ Đài Loan quảng bá cho tác phẩm của mình ở Thái Lan.
Các nhà làm phim Đài Loan hy vọng đột phá vào thị trường Thái Lan thông qua tăng cường hợp tác hoặc phân phối phim với các hãng phim nội địa. Một trong số này là đạo diễn trẻ Gavin Lin với tác phẩm đầu tay In Case of Love phát hành hồi năm rồi.
Gavin Lin là một trong vài nhà làm phim đến Thái Lan hồi tuần rồi, anh đã có cuộc họp với xưởng phim Bangkok GTH với ý định hợp tác làm một bộ phim kinh dị.
Phim In Case of Love của Gavin Lin
Gavin Lin cũng là một trong những nhà làm phim mới nổi của hòn đảo nhỏ thuộc kỷ nguyên sau Điện ảnh mới, tiêu biểu cho phim nghệ thuật. Hiện nay những đạo diễn trẻ này đang chuyển sang các tác phẩm mang tính thương mại hơn với hy vọng thu hút lượng khán giả lớn hơn ở cả trong nước lẫn nước ngoài.
Chu Diên Bình, chủ tịch của Quỹ Điện ảnh Đài Loan, nói rằng tương lai của điện ảnh Đài Loan đang nẳm trên vai họ.
“Tôi rất hạnh phúc là mình không đơn độc, một lần nữa,” Chu nói, ông là đạo diễn của các bộ phim thành công như Kung Fu Dunk (Vua bóng rổ) và Thích lăng (Treasure Hunter) do Châu Kiệt Luân đóng vai chính, nói thêm rằng thế hệ các nhà làm phim mới đều nhận thức tầm quan trọng của việc được chấp nhận bên ngoài Đài Loan.
Gavin Lin hy vọng việc hợp tác làm phim kinh dị với GTH sẽ trở thành hiện thực nhưng anh cũng nói rằng công ty Thái Lan này cho biết cộng tác sẽ dễ hơn là phân phối phim của anh ở đây.
“Mọi người ở GTH nói rằng tuyên truyền một bộ phim Hoa ngữ ở Thái Lan không phải chuyện dễ, thay vào đó họ đề nghị làm phim hợp tác nhắm vào thị trường Đài Loan,” Gavin Lin nói. “Ví dụ như, mời một đạo diễn đến Đài Loan và tôi sẽ làm đồng đạo diễn với ông ta, hoặc chúng tôi sẽ đưa vào một số kỹ thuật của Thái Lan như công nghệ 3D, âm nhạc và hiệu ứng âm thanh, là những thế mạnh của phim kinh dị Thái Lan.”
Songpol Wongkondee, giám đốc thu mua lâu năm của M Pictures, đồng ý rằng quảng bá một bộ phim Hoa ngữ ở Thái Lan thì nói dễ hơn làm.
Monga là một tác phẩm thành công của điện ảnh Đài Loan trong năm rồi
“Rất khó, dù cũng có khả năng làm được trong một thị trường nhỏ hẹp với số lượng ấn bản rất hạn chế,” ông nói. “Các nhà làm phim Hoa ngữ đã thành công với những bộ phim ngân sách lớn của họ nhưng với khán giả Thái Lan chúng lại không nổi tiếng bằng phim Hollywood.”
Songpol lưu ý, có một vấn đề mà phim Đài Loan phải đối diện là khán giả Thái Lan không quen thuộc với các diễn viên. Ông chỉ đến bộ phim băng đảng thành công hồi năm rồi là Monga với Triệu Hựu Đình và Nguyễn Kinh Thiên đóng vai chính, họ là ngôi sao lớn ở Đài Loan nhưng ít được biết đến ở Thái Lan.
Ông đề nghị ngành giải trí Đài Loan nên để ý đến Hàn Quốc, nơi ngành điện ảnh, âm nhạc và truyền hình có mối quan hệ rất năng động.
“Họ thúc đẩy ngành điện ảnh, họ thúc đẩy ngành âm nhạc, họ thúc đẩy ngành truyền hình… tất cả cùng với nhau,” Songpol nói về người Hàn Quốc. “Mọi người biết các diễn viên, bài hát, nghệ sĩ Hàn Quốc, và điều này giúp ích rất nhiều. Về phần phim Đài Loan, họ chỉ thúc đẩy ngành điện ảnh. Thật ra điện ảnh là phần khó quảng bá nhất vì bạn phải đầu tư rất nhiều cho chỉ một xuất phẩm.”
Năm ngoái, M Pictures, một nhánh phân phối của Major Cineplex, chỉ mua ba phim Hoa ngữ và không có phim nào của Đài Loan: Đại binh tiểu tướng, Hoa Mộc Lan và Cẩm y vệ.
Cape No 7 mở đầu kỷ nguyên điện ảnh mới của Đài Loan
Đại binh tiểu tướng, do Thành Long và ca sĩ-diễn viên Đài Loan Vương Lực Hoành đóng vai chính, là bộ phim thành công nhất trong ba phim, thu về 10 triệu bạt trong hai tuần công chiếu. Hoa Mộc Lan và Cẩm y vệ kiếm được 6 triệu bạt mỗi phim.
Nguồn thu thấp của các bộ phim điện ảnh Hoa ngữ đã khiến các công ty như M Pictures chậm thu mua thêm phim khác trong năm nay.
“Nếu một bộ phim Hoa ngữ kiếm được 10 triệu bạt từ phòng vé thì đó là một thành công. Các phim thành công có thể trụ lại ở rạp từ bốn đến sáu tuần, nhưng nếu chúng trình diễn không tốt thì sẽ bị đẩy ra sau hai ngày,” Songpol nói.
Đài Loan có thể có nhiều thần tượng phim truyền hình nhưng lại không có ngôi sao điện ảnh, theo lời Diệp Đan Thanh, giám chế của hãng Green Film Production và là nhà biên kịch của Night Market Hero (Anh hùng chợ đêm), gần đây đang đứng đầu bảng doanh thu phòng vé Đài Loan.
“Đài Loan không có ngôi sao điện ảnh là vì chúng tôi chỉ có vài phim điện ảnh. Chỉ thỉnh thoảng chúng tôi mới làm được những bộ phim tạo nên ngôi sao, như trường hợp của Triệu Hựu Đình và Nguyễn Kinh Thiên trong Monga. Ở Đài Loan, cốt truyện quan trọng hơn dàn diễn viên,” chị nói.
Night Market Hero có sự tham gia của diễn viên thần tượng Lam Chính Long nhưng chính diễn viên hài Chu Cát Lượng mới là người thu hút khán giả Đài Loan, cũng như gây chú ý với các nhà phân phối ở Singapore, Malaysia và Hồng Kông.
Giám chế Diệp tin rằng các nhà làm phim Đài Loan phải đưa hương vị địa phương vào phim điện ảnh để tạo khác biệt với phim Nhật, phim Hàn Quốc và các bộ phim châu Á khác. Chị lưu ý rằng kỷ nguyên mới của điện ảnh Đài Loan, thể hiện các câu chuyện về cuộc sống địa phương, bắt đầu từ năm 2008 khi bộ phim kinh phí thấp Cape No 7 (Mũi đất số 7) trở thành một thành công.
“Trước Cape No 7, không ai thật sự xem phim điện ảnh Đài Loan, ngay cả ở Đài Loan,”chị nói, thêm rằng hãng 20th Century Fox, nhà đồng sản xuất Night Market Hero, đã nói trước khi làm mộ bộ phim thành công trên trường quốc tế thì họ cần phải chinh phục thị trường nội địa trước đã.
Phim I Love You 10.000 Years của Tiêu Hùng Bình
Nhà sản xuất Tiêu Hùng Bình nói rằng các nhà làm phim Đài Loan đã tập trung quá nhiều vào các liên hoan phim quốc tế và thị trường châu Âu, và rằng giờ là lúc họ nhìn lại thị trường trong khu vực, cụ thể là đông nam Á.
“Có vài điểm giống nhau giữa các nước châu Á, như hương vị, sở thích, và văn hóa,” theo lời Tiêu Hùng Bình, gần đây chị vừa sản xuất bộ phim I Love You 10.000 Years (tạm dịch: Yêu em vạn năm), do cựu thành viên F4 Châu Du Dân đóng vai chính.
“Tôi không biết có thể trông đợi gì vào thị trường đông nam Á nhưng tôi nghĩ chúng tôi có tiềm năng vì có rất nhiều người Hoa trong khu vực này, và chúng tôi có cùng cội rễ văn hóa.”
Đạo diễn Chu vẫn còn lạc quan. “Hiện nay có nhiều đạo diễn đang cố gắng làm phim thương mại. Chúng tôi làm ra những câu chuyện mà các nước châu Á khác không làm, đem lại cái nhìn địa phương với hương vị toàn cầu.”
Dịch: Trúc Phương @Quaivatdienanh.com
Nguồn: The Nation