Tin tức

Hollywood của Đại lục chiều chuộng khán giả nữ

29/09/2015

Trong cuộc đảo ngược vai trò giới tính tại phòng vé, câu hỏi quan trọng cho các nhà làm phim Hoa ngữ đã trở thành: Phụ nữ muốn gì?

Nhiều năm nay, phim ảnh Hoa ngữ phần lớn hướng tới nam giới. Giờ, các hãng phim Trung Quốc đang sản xuất nhiều phim thân thiện với phái nữ hơn, các chiến dịch quảng bá nhắm thẳng vào phụ nữ - và cạnh tranh để đổ tiền vào các ngôi sao nam trẻ cuốn hút.

Lợi nhuận của hướng đi này đang nhanh chóng thể hiện. Hè năm nay, Monster Hunt – một phim đa phần hoạt hình thuộc thể loại giả tưởng có một bé yêu quái dễ thương và một nam chính lạ lẫm – trở thành bộ phim ăn khách nhất trong lịch sử Trung Quốc trong chưa đầy hai tuần sau khi ra rạp hồi tháng 7. Khán giả trong tuần ra mắt của phim có đến 85% là nữ, theo trang cung cấp dữ liệu Bắc Kinh iMiner.

Cảnh trong phim Love is Not Blind, bộ phim thành công ở phòng vé năm 2011
đánh thức các nhà làm phim nhắm vào nữ giới

Xu hướng này là một phần của nhu cầu đang lên dành cho phim trong nước, với việc Trung Quốc hạn chế phát hành phim nước ngoài. Các điều tra cho thấy nam giới Trung Quốc chọn phim khoa học-viễn tưởng và hành động, nhưng nhiều hãng phim Trung Quốc thiên về các thể loại phim tình cảm nhẹ nhàng. Một lý do là bởi họ không thể cạnh tranh được với các bom tấn nặng đô của Hollywood về mặt hiệu ứng; lý do khác là bởi các cảnh bạo lực và kinh dị thường bị kiểm duyệt.

Khoảnh khắc họ nhận ra đến vào năm 2011, khi bộ phim hài-tình cảm Trung Quốc kinh phí thấp, Love is Not Blind, đánh bại cả hai phim Rise of the Planet of the ApesImmortals, ra mắt cùng thời gian.

Các năm sau đó, các hãng phim đã chú ý hơn.

Trong nhóm 10 phim Hoa ngữ có doanh thu cao nhất 2014, sáu được coi là “dành cho phái nữ” – năm phim lãng mạn hoặc tình cảm hài và một dựa trên một chương trình truyền hình gia đình – trong năm 2012, không có phim tình cảm-hài nào hay phim dành cho phái nữ nào trong nhóm 10 phim nội địa ăn khách nhất.

“Chúng ta cần xây dựng mối liên kết bất cứ nơi đâu có thể giữa các dự án phim và khán giả nữ để có kết quả phòng vé tốt hơn,” An Yugan nói, quản lý của In Entertainment Inc., hãng quảng bá phim tại Bắc Kinh. “Chúng ta cần hiểu phụ nữ thích gì.”

Trước khi có Iron Man phần 3 của Marvel năm 2013, An nói ông yêu cầu nhóm quảng bá của mình tập trung các chương trình quảng cáo xung quanh sự hâm mộ của phái nữ dành cho Robert Downey Jr. “Một nhà quảng bá phim cần biết cách giúp khán giả yêu phim của mình,” ông nói.

Nhưng thay vì các ngôi sao Hollywood nổi tiếng, đấng cứu thế của các hãng phim và nhà quảng bá là hiện tượng có cái tên không tế nhị cho lắm “cơn sốt thịt tươi”, ám chỉ những nam ca sĩ và diễn viên Trung Quốc có lượng fan nữ đông đảo – những Justin Biebers của Trung Quốc.

Những ngôi sao này có thể tăng mạnh sức nóng cho một bộ phim, An nói. Ông nói thêm đã rất sốc trước một lời cổ vũ trên mạng năm ngoái từ Lu Han, cựu thành viên của nhóm nhạc nam Hàn Quốc EXO, dành cho đội bóng Manchester United, nhận được hơn 13 triệu lời bình, một con số đạt kỷ lục Guinness trên Weibo của Trung Quốc.

Lu Han có vai diễn đầu của mình trong phim Miss Granny, phiên bản Trung Quốc của bộ phim tình cảm-hài Hàn Quốc về một bà lão đi ngược thời gian; anh vào vai ca sĩ hát chính trong một ban nhạc. Bộ phim có kinh phí khiêm tốn thu về hơn 365 triệu nhân dân tệ (57 triệu USD) năm ngoái.

Lu Han trong phim Back to 20, phiên bản Trung Quốc của Miss Granny Hàn Quốc

Wang Junkai, thành viên Tfboys, một trong các ban nhạc nam nổi tiếng nhất Đại lục, chuẩn bị bước tới màn ảnh rộng trong Great Wall, một phim nói tiếng Anh hợp tác sản xuất giữa nhánh phim nhỏ Trung Quốc Legendary Entertainment và các hãng phim lớn. Bộ phim sẽ được Universal Pictures phát hành toàn cầu.

Jia Liti, sinh viên 21 tuổi người Bắc Kinh, nói cô đến rạp phim nhiều hơn khi những phim dựa trên các loạt truyện dành cho giới trẻ nổi tiếng ra mắt.

Cô đặc biệt phấn khích về phần mới nhất của Tiny Times/Tiểu thời đại, ra rạp tháng 7. Loạt phim – một dạng Sex and the City lấy bối cảnh Thượng Hải nhưng không có cảnh tình dục nóng bỏng – không được lòng các nhà phê bình nhưng thu về hơn 1,7 tỉ nhân dân tệ tới nay.

Jia kéo một bạn học nam đi cùng. “Tôi rất háo hức được xem phim nhưng cứ phải đánh thức anh ấy suốt buổi chiếu,” cô Jia nói.

Cảnh trong phim Tiny Times 4 ra rạp ở Đại lục tháng 7/2015

Đa phần người xem phim vẫn là nam giới. Theo Analysys International, phụ nữ chiếm 46% tổng số người xem năm 2014, tăng từ 40% năm trước nữa. Nhưng ở thế hệ sinh 9x – đang là đa số trong bộ phận khán giả xem phim tại Đại lục – nữ giới chiếm hơn 65%, theo Hiệp hội điện ảnh Trung Quốc.

Một cuộc điều tra của công ty nghiên cứu quảng bá Entgroup ở Bắc Kinh phát hiện rằng tại Trung Quốc, phụ nữ là người quyết định chính trong các cặp đôi và gia đình về việc xem phim gì.

Với các hãng phim, phụ nữ là mục tiêu quyến rũ vì một lý do khác nữa: Họ chia sẻ về các phim mình xem trên mạng xã hội nhiều hơn nam giới, theo iDatage, một công ty dữ liệu phim tại Bắc Kinh.

“Phụ nữ hay chia sẻ suy nghĩ về cuộc sống và các phim họ xem nhiều hơn nam giới,” Zhang Xuejing, đồng giám đốc điều hành của công ty bán vé Gewara.com. Ông nói chiến dịch quảng bá nhắm tới khán giả nữ thường đẩy mạnh doanh thu và Gewara đăng các bài bình luận phim do phụ nữ viết trên trang web của họ, kể cả bài của một khán giả nói cô và bạn trai mình đã đi đăng ký kết hôn sau khi xem Big Hero 6 của Disney.

Cảnh trong phim Tân nương đại tác chiến, bản làm lại Bride Wars của Trung Quốc

Huace Group, đồng sản xuất Miss GrannyTiny Times, đang phát triển một hạ tầng chuyên dụng để khai thác nền kinh tế người hâm mộ (fan economy). “Ngành điện ảnh Trung Quốc thật sự cần các phim có văn hóa người hâm mộ để đẩy mạnh sự phát triển,” Zhao Yifang, chủ tịch Huace nói.

Các nhà điều hành trong ngành kỳ vọng sức ảnh hưởng của nữ giới với thị trường phim quốc nội tiếp tục tăng lên. “Khán giả nữ như một mỏ vàng chưa được khai thác,” Wang Pei, giám đốc quảng bá của iMiner, nói.

Các hãng phim nước ngoài cũng đang nhảy vào trào lưu này. Fox International Productions đồng sản xuất phiên bản làm lại tiếng Trung của Bride Wars năm 2009, ra rạp Trung Quốc ngày 20 tháng 8.

Monster Hunt vẫn đang thu bộn, với tổng doanh thu ở thời điểm bài viết là 2,38 tỉ nhân dân tệ. Trong tuần kết ngày 23 tháng 8, đứng đầu doanh thu rạp phim là Go Away Mr. Tumor, về cuộc chiến chống ung thư của một người phụ nữ.

Monster Hunt – một phim đa phần hoạt hình thuộc thể loại giả tưởng có một bé yêu quái dễ thương và một nam chính lạ lẫm – trở thành bộ phim ăn khách nhất trong lịch sử Trung Quốc trong chưa đầy hai tuần sau khi ra rạp hồi tháng bảy. Khán giả trong tuần ra mắt của phim có đến 85% là nữ, theo trang cung cấp dữ liệu Bắc Kinh iMiner
Đối với nam giới Trung Quốc, xu hướng phim giới nữ là một sự buồn vui lẫn lộn.

Xiang Song, một sinh viên ở Hàng Châu, nói kể từ khi chia tay bạn gái anh không còn phải chịu đựng các phim như Tiny Times nữa. Nhưng, anh nói, anh không thể tìm được phim nào hợp sở thích. “Con trai chúng tôi muốn xem hành động,” anh nói. “Nhưng xem ở rạp có gì: một đống phim hoạt hình và tình cảm hài với diễn viên tranh cãi xem ai đáng yêu nhất.

Dịch: © Phương Hà @Quaivatdienanh.com
Nguồn: The Wall Street Journal