Nhân vật & Sự kiện

Đường vào thị trường lớn Trung Quốc lắm gian nan cho Hollywood

23/09/2014

Một trong những người giàu nhất Trung Quốc có ý định chơi ngang cơ với Tinseltown (tức Hollywood) qua việc xây dựng một khu vực theo phong cách Hollywood ở ngoại ô Thanh Đảo, phía đông Trung Quốc, nhằm thống lĩnh ngành làm phim toàn cầu.

Oriental Movie Metropolis, dự kiến khai trương vào năm 2016, là sản phẩm trí tuệ của Vương Kiện Lâm, 59 tuổi, chủ tịch tập đoàn bất động sản và giải trí Wanda Group Corp.

Khu liên hợp, trên nền đất nông nghiệp trước kia, đang được xây dựng với kinh phí tương đương 8,5 tỉ đôla. Công trình sẽ bao gồm 30 xưởng phim, một rạp chiếu với 3.000 ghế ngồi, các công viên chủ đề điện ảnh, các tổ hợp thương mại và khách sạn. Khu đất có kích cỡ tương đương 140 sân vận động bóng chày.

Leonardo DiCaprio và Nicole Kidman nằm trong số các nhân vật nổi tiếng bậc nhất Hollywood tham dự lễ khởi công hoành tráng. Chi phí tổ chức tương đương 17 triệu đôla. Khoảng 60 nam nữ diễn viên Trung Quốc và Mỹ được mời tới sự kiện này.

Tiền thân của Wanda Group là một công ty bất động sản liên kết với chính quyền thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, phía đông bắc Trung Quốc. Chủ tịch Vương được giao điều hành công ty vào cuối thập kỷ 1980 sau khi ông xuất ngũ. Ông thành công nhờ việc mua đất do nhà nước sở hữu với giá rẻ.

(Từ trái qua) Kate Beckinsale, Leonardo DiCaprio và Nicole Kidman tại lễ khởi công Oriental Movie Metropolis

Wanda Group bắt đầu ảnh hưởng tới ngành điện ảnh Trung Quốc vào giữa những năm 2000. Công ty đóng góp 15 phần trăm tổng doanh thu từ phim ảnh tại Trung Quốc, trội hơn hẳn so với các công ty điện ảnh khác.

Năm 2012, tập đoàn mua AMC Entertainment Inc., nhà điều hành chuỗi rạp chiếu phim lớn thứ hai tại Mỹ, với giá tương đương 2,6 đôla.

Trung Quốc có các xưởng phim tại nhiều địa điểm, chủ yếu ở Bắc Kinh và tỉnh Chiết Giang gần Thượng Hải. Khoảng 700 bộ phim được sản xuất tại Trung Quốc mỗi năm.

Bất chấp thị trường đã bão hòa, Wanda Group đặt mục tiêu thực hiện 100 phim Trung Quốc và 30 phim nước ngoài tại Oriental Movie Metropolis mỗi năm.

“Chúng tôi sẽ cạnh tranh với Hollywood. Chúng tôi nhắm tới cả thế giới,” một nhân viên Wanda Group tham gia xây dựng Oriental Movie Metropolis nói.

Một nhân viên khác tự hào tiết lộ chiến lược của Wanda Group do nhân viên cấp cao bật mí: “Các diễn viên và đạo diễn phim nước ngoài sẽ phải đến (Oriental Movie Metropolis tại) Thanh Đảo. Wanda Group sẽ có quyền quyết định thời gian trình chiếu các bộ phim tại các rạp chiếu phim trên khắp thế giới.”

Mô hình toàn cảnh Oriental Movie Metropolis

Đối với ngành điện ảnh Hoa Kỳ, Nhật Bản là thị trường ngoại quốc lớn nhất nhiều năm nay. Tuy nhiên, năm 2012, doanh thu từ Trung Quốc đạt trên 2,7 tỉ đôla, vượt qua doanh thu từ Nhật Bản. Một viện nghiên cứu của UNESCO dự đoán doanh thu từ Trung Quốc sẽ lớn hơn doanh thu từ Mỹ vào năm 2020.

Hollywood cũng nỗ lực thu hút người Trung Quốc.

Ví như, bốn thương hiệu Trung Quốc xuất hiện trong bộ phim năm 2011 Dark of the Moon, phần ba của loạt phim Transformers nảy sinh từ sản phẩm của nhà chế tạo đồ chơi Nhật Bản Tomy Co. Trong bốn thương hiệu đó có máy tính cá nhân Lenovo và ti-vi TCL.

“Họ (người Trung Quốc) vui mừng khi thấy các thương hiệu Trung Quốc trong phim Hollywood. Họ cũng muốn các thương hiệu Trung Quốc được sắp đặt hay hơn theo lối tự nhiên,” Janie Ma, giám đốc chi nhánh Trung Quốc của một công ty quảng cáo lớn của Mỹ, nói.

Chín thương hiệu Trung Quốc được mong đợi xuất hiện trong phần bốn của loạt phim Transformers.

Nhà sản xuất phim người Mỹ Don Murphy nói liên kết thân cận với Đảng Cộng sản Trung Quốc là điều cốt yếu trong việc giành quyền chiếu phim Mỹ ở Trung Quốc.

Các thương hiệu Trung Quốc trong phim Transfomers: Dark of the Moon
(Từ trái qua, từ trên xuống) Áo phông MTEE, Lenovo, sữa Thư Hóa của hãng Y Lợi, TCL

Phim chiếu ở Trung Quốc là đối tượng kiểm duyệt. Phim Hollywood, nguồn lực chính tạo dựng quyền lực mềm của Mỹ, đang đổ vào thị trường Trung Quốc rộng lớn – mặc dù tự do thể hiện bị hạn chế.

Ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc

Vertigo Entertainment đảm nhiệm nhiều bản làm lại phim châu Á, trong đó có bộ phim Nhật Bản năm 2003 Ju-on. Trụ sở chính của hãng tọa lạc tại nhà sản xuất phim Mỹ Warner Bros. ở ngoại ô Los Angeles.

Nhà sáng lập Vertigo Roy Lee, 45 tuổi, nhắc tới một cuộc gặp gỡ tại xưởng phim vài tháng trước với vài cán bộ cao cấp người Trung Quốc của một công ty điện ảnh có trụ sở tại Bắc Kinh. Thông qua phiên dịch viên, các thành viên phái đoàn nói họ đang tìm kiếm một xưởng phim Mỹ bằng lòng trở thành một phần trong một công ty Trung Quốc.

Lee từ chối đề nghị Vertigo “đầu quân” cho một công ty Trung Quốc vì hãng này có thể kiếm kinh phí từ Warner Bros. và không cần thay đổi thỏa thuận.

Tuy nhiên, đồng tiền Trung Quốc đã bắt đầu thâm nhập vào Hollywood.

Công ty truyền thông Hoa Nghị Huynh Đệ có trụ sở ở Bắc Kinh, đặt mục tiêu trở thành “Warner Bros. của Trung Quốc,” thông báo vào tháng 3 vừa qua rằng họ sẽ đầu tư tới 150 triệu đôla vào Studio Eight, một công ty điện ảnh mới ở Hollywood.

Bảo tàng Điện ảnh của Viện hàn lâm – công trình nhận tài trợ 20 triệu đôla từ Wanda Group

Viện hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Hoa Kỳ, đơn vị chủ trì giải Oscar, nhận được tài trợ 20 triệu đôla từ Wanda Group vào năm 2013.

Kịch bản phim và dàn diễn viên cũng rơi vào mạng lưới ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc.

Năm 2013, một đạo diễn phim độ tuổi 40 sống ở Los Angeles cố gắng gây quỹ thực hiện một bộ phim dựa trên cuốn tiểu thuyết khoa học giả tưởng về Nhật Bản trong tương lai gần. Ba nhà sản xuất thuyết phục anh dàn dựng bộ phim ở Trung Quốc thay cho Nhật Bản.

Bộ phim, World War Z, do Paramount Pictures Co. phát hành vào mùa hè năm 2013, có một cảnh trong đó một cựu nhân viên Liên hiệp quốc, do Brad Pitt thủ vai, nghe thông báo trên đài phát thanh trong khi đang lái xe rằng dịch bệnh dại ở Đài Loan đã lan ra 12 quốc gia. Trong lúc đó, một đám xác sống xuất hiện gây hoảng loạn.

Theo kịch bản ban đầu, bệnh bùng phát bắt đầu ở Trung Quốc Đại lục, theo các nguồn tin thân cận với quá trình sản xuất cho hay. Tuy nhiên, các viên chức cấp cao tại Paramount Pictures chuyển địa điểm sang Đài Loan, giải thích rằng bất bình sẽ tăng lên nếu Trung Quốc Đại lục là địa điểm.

Phim Red Dawn, phát hành năm 2012, tập trung vào một nhóm thanh niên Mỹ bảo vệ quê hương trước sự xâm lăng của quân đội Triều Tiên. Các bình luận ở Mỹ chỉ trích phim là không thực tế.

Cảnh trong phim World War Z

Trong kịch bản ban đầu, liên quân Trung – Nga là lực lượng xâm lược. Nhưng sau đó kịch bản bị sửa đổi lớn, được biết việc này tiêu tốn 1 triệu đôla.

Trong phim Men in the Black 3, phát hành năm 2012, người ngoài hành tinh tấn công chủ và người làm thuê tại một nhà hàng hải sản tươi sống ở khu Chinatown. Nhân vật chính đánh trả và giết cả lũ. Cảnh này bị cắt trong bản phim chiếu tại Trung Quốc, nơi bộ phim rất ăn khách.

Một tờ báo Anh khóc thét về kiểm duyệt.

Người trong ngành điện ảnh Mỹ nói rằng họ tránh các cuốn sách và kịch bản miêu tả Trung Quốc theo hướng tiêu cực.

“Chúng tôi được bảo rằng chúng tôi không thể cho chi tiết đó vào kịch bản, ngay từ trước khi bắt đầu phát triển dự án. Điều đó gây ra tác động kinh khủng,” Lee, người sáng lập Vertigo, nói.

“Họ có nhiều kiểu kiểm duyệt khác nhau, và vì thị trường Trung Quốc rất phát triển, mọi xưởng phim đều cân nhắc điều đó trước khi làm bất cứ bộ phim nào, kiểu như ‘Làm thế nào thì phù hợp với Trung Quốc hơn?’”

Vào mùa thu năm 2013, một nam diễn viên Nhật Bản hay tin một loạt phim truyền hình nổi tiếng đang tìm người vào vai một công dân Nhật Bản. Anh đến thử vai diễn.

Cảnh tấn công Chinatown bị cắt trong Men in the Black 3

Anh là người duy nhất trong cuộc thử vai được sinh ra và lớn lên tại Nhật Bản. Anh có quan hệ tốt với các giám khảo và tự tin rằng lối nói tiếng Anh của mình sẽ mang về vai diễn cho anh.

Anh đã nhầm.

Sau đó, khi anh xem bộ phim trên truyền hình tại nhà, câu tiếng Anh mà anh nói tại buổi thử vai bị ai đó nói nhép. Bộ phim thay đổi từ Nhật Bản đến Thượng Hải, và vai diễn đổi thành một công dân Trung Quốc.

Phải vượt qua kiểm duyệt trước tiên

Tổng cục Báo chí, Xuất bản, Phát thanh, Điện ảnh và Truyền hình Trung Quốc (SAPPRFT) quản lý các bộ phim và chương trình truyền hình trình chiếu hay phát sóng ở Trung Quốc.

Các nhân viên kiểm duyệt do chính phủ lựa chọn xem phim trên màn ảnh lớn trong một phòng chiếu để kiểm tra nội dung có phù hợp chiếu ở Trung Quốc hay không.

Có từ 20 đến 30 kiểm duyệt viên, theo những người am hiểu. Họ không chỉ bao gồm các viên chức Ban Tuyên truyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc và các nhân viên cấp cao của SAPPRFT, mà còn có các giáo sư đại học và đạo diễn phim.

Trung Quốc duy trì chế độ kiểm duyệt chặt chẽ

Tên của các thành viên không được tiết lộ. Họ nhận “khoản thù lao khiêm tốn” cho công việc của mình, một thành viên hiện thời cho biết.

Với khoảng 700 phim sản xuất trong nước mỗi năm, các buổi họp kiểm duyệt được tổ chức vào vài buổi chiều mỗi tuần. Nếu chủ đề liên quan đến cảnh sát, các thành viên lực lượng an ninh tham dự cuộc họp, mặc dù họ không phải là thành viên thường xuyên. Các bộ phim về giáo dục được phán xét bởi các viên chức giáo dục, vân vân.

Sau khi xem một bộ phim, các thành viên bỏ phiếu quyết định bộ phim có thể chiếu ở Trung Quốc hay không.

Một cựu thành viên tham gia kiểm duyệt 300 phim trong nước nói hai hay ba phim bị cấm hoàn toàn mỗi năm. Cải cách chỉ xảy ra với số lượng nhỏ các bộ phim.

“Các nhà sản xuất phim không ngốc,” người này nói. “Họ bỏ ra cả núi tiền cho sản phẩm của họ và hiển nhiên muốn phim của mình được chiếu. Vì lý do đó, họ cũng biết tự kiềm chế.”

Những hạn chế bị áp đặt lên số phim nước ngoài nhập khẩu. Khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới vào năm 2001, nước này tăng gấp đôi hạn ngạch nhập khẩu phim nước ngoài để trình chiếu ở Trung Quốc từ 10 lên 20. Con số này tăng lên 34 phim vào năm 2012.

Tập đoàn Điện ảnh Trung Quốc độc quyền nhập khẩu phim nước ngoài

Trung Quốc cũng nhập khẩu các phim nước ngoài khác, bao gồm các phim cũ, qua việc mua bản quyền và chiếu tại các rạp. Số lượng này lên tới khoảng 30 phim mỗi năm.

Nhật Bản, ngược lại, phân phối khoảng 500 phim nước ngoài mỗi năm. Số lượng tương ứng ở Hàn Quốc là khoảng 300 phim.

Ở Trung Quốc, chỉ có Tập đoàn Điện ảnh Trung Quốc, một công ty quốc doanh, được phép nhập khẩu phim nước ngoài.

Cơ chế này đảm bảo rằng chính quyền Trung Quốc duy trì sự kiểm soát chặt chẽ về quan điểm tại quốc gia đông dân nhất thế giới.

Zhou Tiedong, 51 tuổi, thâm niên 10 năm nhập khẩu phim nước ngoài cho Tập đoàn Điện ảnh Trung Quốc. Anh tham dự các liên hoan phim ở Mỹ và các nơi khác, xem từ 800 tới 1.000 phim nước ngoài mỗi năm. Về nhập khẩu, anh chủ yếu chọn phim hành động và phiêu lưu Hollywood có triển vọng thu lợi lớn.

“Khó mà nhập khẩu các phim có tính nghệ thuật cao. Bởi vì phân phối phim nước ngoài ở Trung Quốc nhằm mục đích sinh lời,” Zhou nói. “Vì nước tôi có kiểm duyệt nên nhiều phim tôi từ bỏ việc nhập khẩu cho dù tôi thấy đó là những phim hay.”

Phim hành động được ưa chuộng tại phòng vé Trung Quốc

Thị trường điện ảnh Trung Quốc cũng duy trì danh sách đen về diễn viên. Ví dụ, Brad Pitt không đến Trung Quốc từ khi anh vào vai chính trong bộ phim năm 1997 Seven Years in Tibet, do Jean-Jacques Annaud đạo diễn, xoay quanh quan hệ đời thực giữa nhà leo núi người Áo Heinrich Harrer và đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14.

Richard Gere và Harrison Ford cũng bị Trung Quốc xa lánh. Gere tham gia một tổ chức ủng hộ đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14. Ford bày tỏ sự ủng hộ của anh đối với nền độc lập của Tây Tạng trong tờ trình lên Quốc hội Mỹ.

Tuy nhiên, đạo diễn Annaud làm trưởng ban giám khảo Liên hoan phim quốc tế Thượng Hải năm 2012. Được hỏi trong một cuộc họp báo rằng ông có xin lỗi Trung Quốc không, ông nói không. Ông nói các nước phương Tây gây ra hiểu lầm. Ông hỏi người Mỹ sẽ nghĩ sao nếu người Trung Quốc can thiệp vào vấn đề Puerto Rico.

Hiện tại, Annaud đang quay một bộ phim do Trung Quốc và Pháp đồng tài trợ tại Trung Quốc, dự kiến phát hành vào mùa đông năm nay.

Nhà sản xuất Rob Cain, rất rành việc làm ăn với Trung Quốc, nói, “Đa số mọi người sợ quan chức chính phủ Trung Quốc sẽ nói, ‘người này bị cấm,’ và không thể làm ăn ở đây.”

Một nhà sản xuất Mỹ khác nói các phim có chủ đề về vấn đề nhân quyền ở Tây Tạng hay Trung Quốc sẽ không được sản xuất ở Hollywood nữa.

Dịch: © Xuân Hoa @Quaivatdienanh.com
Nguồn: The Asahi Shimbun


Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên Facebook của chúng tôi