Tin tức

Hollywood ở Trung Quốc: Bán rẻ hay thu lời?

06/10/2015

Thị trường điện ảnh Trung Quốc, tăng trưởng khoảng 35 phần trăm mỗi năm, hiện lớn thứ hai thế giới, với kỳ vọng sẽ vượt qua thị trường Bắc Mỹ (Mỹ và Canada) ế ẩm trong ba năm. Trên thực tế, vào tháng 2 năm nay, trong dịp Tết Âm lịch sinh lời, khi phim Hollywood và các phim nước ngoài khác theo thông lệ bị cấm phát hành, doanh thu phòng vé hàng tháng của Trung Quốc lần đầu tiên vượt qua Mỹ.

Dàn diễn viên Fast and Furious 7 quảng bá cho bộ phim tại Bắc Kinh tháng 3/2015

Hơn nữa, những cột mốc mới tiếp tục được xác lập. Ví dụ, Fast and Furious 7, lợi dụng sự ám ảnh của tầng lớp trung lưu về việc sở hữu một chiếc xe hơi, kiếm được 391 triệu tệ (63,1 triệu đôla) trong ngày khởi chiếu 12/4/2015, gần như gấp đôi kỷ lục trước của Transformers 4: Age of Extinction, đạt 194,8 triệu tệ vào ngày 27/6/2014. Furious 7 kết thúc đợt chiếu với doanh thu hơn 390 triệu đôla, phá kỷ lục trước là 320 triệu đôla do Transformers 4 xác lập năm 2014. Và những phim ăn khách tiếp tục ra lò. Avengers: Age of Ultron thay thế Furious 7 ở ngôi đầu bảng xếp hạng phòng vé ở Trung Quốc, bỏ túi khoản tiền lớn 150 triệu đôla trong sáu ngày chiếu đầu tiên, chiếm 87 phần trăm tổng doanh thu từ tất cả các phòng vé trong tuần. Đối với những phim bom tấn tốn kém như thế, hiện nay thường đạt tổng doanh thu toàn cầu hơn 1 tỉ đôla, thị trường Trung Quốc trở nên quan trọng tương đương thị trường Bắc Mỹ, khi Furious 7Transformers 4 thậm chí thành công ở Trung Quốc hơn ở nước nhà.

Thành công của Hollywood ở thị trường Trung Quốc, nơi họ kiếm được từ 43,5 đến 51,5 phần trăm doanh thu phòng vé mỗi năm từ năm 2009, còn ấn tượng hơn vì hạn ngạch giới hạn phim phân chia doanh thu nước ngoài trước năm 2012 là 20 phim mỗi năm, kể từ 2012 là 34 phim mỗi năm. Giới hạn này nằm trong số nhiều biện pháp quản lý khác nhau được chính quyền Trung Quốc ban hành nhằm nỗ lực và bảo đảm rằng phim nội địa chiếm ít nhất 50 phần trăm thị trường.

Cảnh trong phim Transformers 4: Age of Extinction

Những thành công đó châm ngòi chỉ trích lan rộng về cuộc truy tìm thị phần buộc Hollywood phải “bán rẻ”, tự kiểm duyệt trong quá trình làm phim nhằm, tốt nhất là tránh những vấn đề chính trị và xã hội nhạy cảm, và ít ra là vẽ nên bức tranh vô cùng tươi đẹp về Trung Quốc.

Với những người quen thuộc với lịch sử và mục đích của Hollywood, không lạ gì chuyện phim nhắm vào thị trường nước ngoài được điều chỉnh để đáp ứng yêu cầu của những thị trường đó. Hollywood luôn quan tâm đến lợi nhuận, nên phản ứng với sự tăng trưởng đáng kinh ngạc của thị trường Trung Quốc là ví dụ kinh doanh thông thường. Chính sự linh hoạt và khả năng thích ứng là điều chủ yếu đóng góp vào thành công lâu dài của họ. Về mặt này, nhiều thông tin hữu ích được rút ra khi so sánh chiến lược của Hollywood với nỗ lực quảng bá quyền lực mềm nhờ thành công trên thị trường điện ảnh quốc tế của Trung Quốc.

Trung Quốc chiến tranh với Hollywood

Nhậm Trọng Luân, chủ tịch doanh nghiệp nhà nước Tập đoàn Điện ảnh Thượng Hải, nhắc tới khát vọng của ngành điện ảnh Trung Quốc khi nói với một phóng viên phương Tây, “Chúng tôi muốn học hỏi cách làm phim thu hút khán giả toàn cầu.” Thực ra, đó là một trong những động lực khi Trung Quốc rốt cuộc đồng ý, vào năm 1994, cho phép The Fugitive của Warner Bros. trở thành phim Hollywood đầu tiên chiếu ở Trung Quốc theo cơ chế phân chia doanh thu. Các quan chức Trung Quốc công khai phát biểu rằng ngành điện ảnh Trung Quốc đang đương đầu với cuộc chiến tranh với Hollywood.

Tiểu thời đại đề cao giá trị vật chất

Tuy nhiên, thành công của Trung Quốc vốn đã bị hạn chế vì ở Trung Quốc, không như Hollywood, phim ảnh được kỳ vọng thực hiện đồng thời nhiều chức năng trái ngược nhau. Ví dụ, khi thảo luận về ngành điện ảnh, ủy viên Bộ Chính trị kiêm Bộ trưởng Bộ Tuyên truyền trực thuộc Ủy ban Trung ương Đảng Cộng Sản Trung Quốc – Lưu Kỳ Bảo ca ngợi thành công của phim Trung Quốc ở thị trường nội địa và nói rằng Trung Quốc cũng nên trở thành một thế lực điện ảnh quốc tế, nhưng đồng thời ông kêu gọi phim ảnh nước nhà lấy “giá trị nòng cốt xã hội chủ nghĩa làm kim chỉ nam” và “bao hàm nhiều yếu tố của Giấc mơ Trung Quốc hơn nữa.” Phát biểu của Lưu Kỳ Bảo có thể thu hút Tập Cận Bình cùng các thành viên Bộ Chính trị, nhưng chúng phản ánh sự thiếu hiểu biết về thị hiếu của khán giả. Sự khởi đầu từ yêu cầu phù hợp về mặt chính trị gần như chắc chắn dẫn tới kết quả phản tác dụng với ý định của nhà nước. Trái lại, Hollywood làm phim “thú vị, dễ xem” thường có sức hấp dẫn toàn cầu, vượt qua mọi nền văn hóa, với lợi nhuận gần như là động lực duy nhất.

Ngoài ra, trong việc buôn bán Giấc mơ Mỹ, Hollywood có nhiệm vụ dễ dàng hơn nhiều so với nỗ lực bán Giấc mơ Trung Quốc theo chỉ thị nhà nước của Trung Quốc. Không như Giấc mơ Trung Quốc, cường điệu tổ quốc quang vinh và mối liên hệ giữa mục tiêu của cá nhân và mục tiêu của tập thể, Giấc mơ Mỹ nhấn mạnh sự phát đạt, thành công của cá nhân và sự tăng tiến về địa vị xã hội, tất cả được truyền tải trong nhiều phim Hollywood. Trớ trêu thay, xét tới việc nhà nước Trung Quốc nhấn mạnh tính ưu việt của văn hóa Trung Quốc qua việc quảng bá giấc mơ của riêng mình, Giấc mơ Mỹ thực tế còn “bán” tốt hơn ở Trung Quốc. Quả thực, một số phim Trung Quốc được yêu thích nhất ở quê nhà đa phần nói về Giấc mơ Mỹ – ví dụ như Finding Mr. Right – hay bắt chước những bộ phim Mỹ thành công về sự thành đạt của cá nhân chỉ xét về mặt vật chất, ví dụ như loạt phim Tiểu thời đại.

Chiến lược Trung Quốc của Hollywood

Cảnh trong phim Looper, bản phát hành ở Trung Quốc

Một số phim Hollywood tâng bốc Trung Quốc khá rõ, như trong 2012, Oliver Platt ca ngợi Trung Quốc vì đóng được những con thuyền lớn để rời khỏi Trái đất ngày tận thế trong thời gian rất ngắn (“Hãy để đó cho người Trung Quốc; tôi chưa từng nghĩ rằng việc này là có thể, không thể nào với khoảng thời gian mà chúng ta có”). Ngay cả khi đó, ít ra một số cư dân mạng Trung Quốc nhận thấy cảnh này chê bai Trung Quốc, ám chỉ rằng chỉ Trung Quốc mới có chế độ độc quyền nên họ có thể yêu cầu người dân đóng thuyền lớn nhanh chóng.

Những phim khác, như Looper, có những cảnh thêm vào có chủ đích dành riêng cho thị trường Trung Quốc và không xuất hiện trên phiên bản quốc tế. Về mặt này, Hollywood luôn cẩn thận đặt thị trường Trung Quốc đang tăng trưởng nhanh chóng ở vị trí hợp lý. Những phim bom tấn như Iron Man 3 hay Transformers 4, khởi đầu có vẻ là tác phẩm đồng sản xuất với Trung Quốc, cuối cùng hưởng hầu hết lợi ích của địa vị đồng sản xuất mà không phải gánh vác kiểu nội dung văn hóa Trung Quốc hay diễn viên Trung Quốc vào vai chính mà lẽ ra là yêu cầu cần thiết đối với phim đồng sản xuất, nhưng cũng sẽ hạn chế sức hấp dẫn của bộ phim ở những thị trường khác.

Cảnh Stanley Tucci uống sữa Trung Quốc trong Transformers 4

Ngoài ra, sức hút với thị trường Trung Quốc thường vô cùng mơ hồ, ít ra đối với khán giả không phải là người Trung Quốc, và thường là cài cắm sản phẩm hơn là lấy lòng nhà chức trách Trung Quốc. Hơn nữa, những sự cài cắm đó còn nhằm dụng ý khiến cho khán giả không phải là người Trung Quốc hiểu. Ví dụ như ở đầu phim Transformers 4, Mark Wahlberg cử một Drone đến lấy lại tiền từ một cây ATM ở Texas. Thẻ ghi nợ trong cảnh đó là của Ngân hàng Kiến thiết Trung Quốc và khán giả Trung Quốc sẽ nhận ra điều đó ngay lập tức. Nhưng cảnh này lướt quá nhanh nên khán giả không phải là người Trung Quốc có thể thậm chí không nhận ra sự tồn tại của những chữ Trung Quốc trên thẻ. Cũng trong phim này, khi Stanley Tucci ở Hồng Kông uống hộp sữa có chữ Trung Quốc, khán giả Trung Quốc sẽ nhận ra nhãn hiệu rõ ràng của một công ty Trung Quốc nổi tiếng, nhưng khán giả nước ngoài có thể chỉ biết ông ấy ở Hồng Kông, nên không ngạc nhiên về việc sản phẩm có chữ Trung Quốc.

Trong bối cảnh ngành điện ảnh Trung Quốc và Hollywood trở nên gắn kết chặt chẽ hơn, với những hợp đồng mới quan trọng dường như được ký kết hàng tuần, Hollywood khôn ngoan trong việc thiết lập quan hệ hợp tác sẽ giúp quảng bá các sản phẩm của họ ở thị trường Trung Quốc. Ví dụ, có tin doanh nghiệp nhà nước Tập đoàn Điện ảnh Trung Quốc đóng góp khoảng 10 phần trăm vốn vào Furious 7, nên họ có động cơ tài chính mạnh mẽ để đảm bảo bộ phim được phân phối tối đa tại các rạp chiếu phim Trung Quốc, nơi bộ phim trình chiếu trên 5.454 màn ảnh. Hollywood cũng lợi dụng tham vọng “học nghề” của người Trung Quốc, và nhiều quan hệ hợp tác đem lại khoản tài trợ trước vô cùng cần thiết cho phim Mỹ, cũng như giúp đảm bảo việc phát hành ở Trung Quốc. Trong khi không giống loại “đồng tiền mù quáng” mà Hollywood tìm kiếm và thường thu hút từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước muốn trở thành một phần của sự mê hoặc gắn liền với ngành này, các mối quan hệ hợp tác với Trung Quốc, ít ra tới thời điểm này, đạt hiệu quả rất thấp trong việc quảng bá phim Trung Quốc ở thị trường phương Tây, một trong những mục đích chính mà chính quyền Trung Quốc đặt ra cho ngành điện ảnh nước này.

Mandarin trong Iron Man 3

Cuối cùng, phim Hollywood thực ra được biến đổi để đảm bảo không có nhân vật phản diện người Trung Quốc. Ví dụ kinh điển là bản làm lại của Red Dawn, kẻ thù được thay đổi trong giai đoạn hậu kỳ từ Trung Quốc thành Triều Tiên, gần đây hơn là trong Iron Man 3, nhân vật Mandarin của Marvel Comics, sinh ra tại Trung Quốc và là một trong những nhân vật phản diện sừng sỏ nhất trong truyện tranh mọi thời đại, đổi thành một diễn viên phương Tây đơn thuần được kẻ phản diện thực sự thuê đóng vai. Nhưng hậu quả của vụ tai tiếng Sony bị hack liên quan tới phim The Interview, Hollywood hầu như không còn quốc gia nào để bêu xấu và xúc phạm. Dần dà, kẻ ác có thể là các công ty đa quốc gia vô danh, các tập đoàn truyền thông, những tên khủng bố thuộc nhiều dạng khác nhau và không phải là công dân nước nào, hoặc ngay cả những thành phần bất hảo trong chính phủ Mỹ, với các nhân vật phản diện là nguy cơ của mọi quốc gia, có lẽ sẽ đưa chúng ta quay lại thời những bộ phim James Bond đầu tiên.

Dịch: © Xuân Hoa @Quaivatdienanh.com
Nguồn: The Diplomat