Tin tức

Phim tình báo Mỹ lận đận trong khi 007 thành công

21/11/2012

Nói đến điệp viên là nói đến 007. Chắc hẳn bạn đã nghe tên rồi. Loạt phim Bond đã tồn tại hơn nửa thế kỷ, và Skyfall là phần phim thứ 23. Cả những phim thành công của Mỹ như Jason Voorhees hay Freddy Krueger cũng không có được con số đó.

Tin bài liên quan:

Những điều thú vị về Bond từ A đến Z
Skyfall không chỉ là một phim hay về Bond: Đó là sự hồi sinh của nhân vật
Skyfall đưa James Bond kinh điển quay lại
Phim tài liệu kỷ niệm James Bond 50 tuổi - Everything or Nothing: The Untold Story of 007
James Bond 50 tuổi vẫn gây hứng thú
James Bond và Jason Bourne: Cuộc đối đầu điện ảnh chưa ngã ngũ

Tại sao khán giả lại yêu James Bond đến thế? Có phải vì anh sống một cuộc sống phóng khoáng, không gò bó? Có phải vì anh có khả năng lật đổ cả những kế hoạch thống trị thế giới phức tạp nhất? Dù là gì đi nữa, còn lâu nữa James Bond mới biến mất khỏi màn bạc, vì hai phần phim tiếp theo đã được lên kế hoạch sản xuất.

Loạt phim James Bond tạo một cái bóng lớn trong thế giới điện ảnh, nhất là thể loại phim tình báo. Thêm vào đó, phim tình báo của Mỹ có vẻ gặp nhiều khó khăn trong việc giữ khán giả kể từ khi phim Bond ra đời vào thập kỷ 60.

Tất nhiên, phim 007 không thể hiện hết được thể loại phim tình báo của Anh, không thể phủ nhận loạt phim này là một cái tên khổng lồ trong thể loại, và là tiêu chuẩn để đánh giá phim tình báo Mỹ. Vậy tại sao phim của Mỹ, bất chấp bao nỗ lực, vẫn không thể lấy được lòng khán giả?

Chuyển thể thành phim hài

Một trong những nỗ lực đầu tiên của điện ảnh Mỹ trong việc lợi dụng thành công của phim Bond để sinh lời, đó là làm những phim hài nhại theo phương thức James Bond. Vào cuối thập kỷ 60, có tận hai bộ phim Mỹ châm biếm điệp viên nổi tiếng nhất của Anh. Phim đầu tiên có James Coburn trong vai Điệp viên Derek Flint trong Our Man FlintIn Like Flint. Cùng lúc đó Dean Martin cũng đóng vai Matt Helm, một điệp viên kiêm nhiếp ảnh gia trong tận bốn bộ phim, gồm The SilencersMurder’s Row (1966). Cả hai loạt phim này thể hiện lối sống tự do, phóng khoáng nổi tiếng trong phim Bond.

Austin Powers

Mỹ có khá nhiều phim tình báo hài, phần lớn với mục đích nhại lại những phim nghiêm túc hơn trong thể loại này. Những phim ban đầu như Hop Scotch, phim truyền hình Get Smart dẫn tới Spies Like Us, Top Secret, và Leonard Part 6. Thú vị nhất là loạt phim Austin Powers, chỉ tồn tại trong ba tập phim và châm biếm những phim nhại James Bond nhiều hơn là phim Bond gốc.

Có vẻ tâm lý ở đây là, “Nếu không thể cùng chơi thì hãy cười nhạo chúng.”

Phản gián

James Bond là một điệp viên trung thành với Nữ hoàng Anh. Chính điều này nên khiến anh kém hấp dẫn hơn với khán giả Mỹ. Nhưng các nhà biên kịch, nhất là tác giả nguyên tác Ian Fleming, lại đủ thông minh tạo ra những mối hiểm nguy cho toàn thế giới chứ không phải chỉ nước Anh. Tuy nhiên sự trung thành tận tụy của Bond là sự khác biệt rất lớn giữa phim trong cùng thể loại của Anh và Mỹ. James Bond sẵn sàng trở thành quân cờ để phục vụ đất nước, phần lớn phim tình báo của Mỹ lại có những nhân vật chính không hề tin tưởng vào chính phủ của mình.

Safe House

Với phim Bond, chúng ta được khám phá những hoạt động của Cơ quan Tình báo MI6 của Anh, hay ít nhất là hoạt động của MI6 hư cấu trong phim. Điệp viên đẹp trai của chúng ta ít khi không biết hết từng chi tiết của các hoạt động siêu bí mật của cơ quan này. Trong phim Mỹ, các điệp viên thường bị lợi dụng rồi phản bội bởi chính cơ quan tình báo kia. Cách hoạt động kém minh bạch này được thể hiện trong các phim như Three Days of the Condor, Spy Game, The Recruit, và cả phim của Denzel Washington và Ryan Reynolds Safe House.

Chúng ta có thể cho rằng những sự kiện lịch sử có thật đã tạo nên xu hướng này trong phim tình báo Mỹ, những tình tiết như thế gây khó khăn cho sự tồn tại của những phần tiếp theo của bộ phim. Khi mọi bí mật đã được phơi bày, và kẻ địch đã bị hủy diệt, hoặc mưu mô của chúng đã đánh bại nhân vật chính, thì nhân vật chính đó ít khi còn câu chuyện nào khác để kể. Kết cục của bộ phim ít khi cho phép nhân vật có thể trở lại với công việc tình báo, thế nên loạt phim không thể tiếp diễn. Chính cách thể hiện công tác tình báo của phim Mỹ khiến chúng không thể tồn tại lâu dài như phim Bond.

Mission: Impossible Bourne

Chỉ có hai loạt phim vượt qua được vấn đề này và trở nên khá thành công mà không mang tính cách hài nào. Vào năm 1998, Brian De Palma chuyển thể phim truyền hình Mission: Impossible thành phim điện ảnh. Một lần nữa, nhân vật phản diện là một đồng minh cũ, một người từ bên trong. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa một đội ngũ điệp viên lớn hơn tạo một khía cạnh mới để khai thác, tạo cân bằng cho một bộ phim trông đợi nhiều vào yếu tố kịch tính, giật gân.

Yếu tố đội ngũ này tạo sự khác biệt với điệp viên cô đơn Bond, nhưng những yếu tố này cũng gây chú ý với người hâm mộ phim Bond. Ý tưởng là mỗi nhân vật có nhạc hiệu của riêng mình gợi nhớ tới điệu nhạc rất riêng của James Bond. Và những máy móc, thiết bị trong các phim này cũng khiến khán giả thích thú không khác gì những dụng cụ 007 sử dụng để thoát khỏi nguy hiểm.

Jason Bourne

Vài năm sau, Universal đưa Jason Bourne của nhà sáng tạo Robert Ludlum lên phim. Điệp viên do Matt Damon đóng từng làm việc cho CIA và bị mất trí nhớ. Loạt phim thể hiện khuôn mẫu về cơ quan tình báo phản bội điệp viên theo một cách hoàn toàn khác và khiến khán giả phải chú ý tới bộ phim.

Nhân vật Bourne hoạt động một mình cũng chiếm được trái tim những khán giả vốn thần tượng Bond. Cũng như phim Bond, loạt phim Bourne cũng tạo được sự cân bằng giữa cốt truyện kịch tính và những cảnh hành động hấp dẫn.

Một ví dụ phim tình báo Mỹ thất bại là XXX với Vin Diesel trong vai chính. Phim này quá trông đợi vào các cảnh hành động mà cốt truyện trở nên hoàn toàn không hiểu được. Dù một phần quan trọng của phim tình báo là các cảnh hành động, nhưng chúng không thể là yếu tố được chú trọng duy nhất trong phim. Điều này cũng có thể giải thích tại sao The Bourne Legacy gặp nhiều vấn đề đến thế. Vấn đề không phải việc vai chính được giao cho Jeremy Renner. Khán giả quá quen với việc đổi diễn viên trong phim Bond. Vấn đề là câu chuyện không đủ thuyết phục.

Liệu phim Mỹ có bao giờ khám phá được công thức thành công để khiến phim tình báo của mình trở nên thành công như Bond không? Các nhà làm phim đã nỗ lực không hề ít, và có lẽ bây giờ ta chỉ có thể chờ xem tương lai của BourneMission: Impossible sẽ ra sao.

Dịch: © Xuân Hiền @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Hollywood.com


Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên Facebook của chúng tôi