Nhân vật & Sự kiện

Hollywood giờ đã biến đổi

15/10/2014

Không ai cho rằng thống trị thế giới sẽ là chuyện dễ dàng. Sau khi đánh bại Avatar (2009) trở thành bộ phim có doanh thu cao nhất phòng vé Trung Quốc, Transformers: Age of Extinction nhận nhiều lời chỉ trích từ những doanh nghiệp Trung Quốc đã bỏ tiền để sản phẩm của họ được xuất hiện trong phim.

Một hãng đồ ăn nhanh chuyên bán cổ vịt bày tỏ sự kém hài lòng với cảnh sản phẩm thịt của họ xuất hiện chỉ trong vòng ba giây trong một tủ lạnh, Công viên Quốc gia Vũ Long Karst không hài lòng vì đoàn làm phim Mỹ đã cho một biển báo “Cầu Thanh Long” lại là biểu tượng của công viên, và sự xuất hiện của biển báo kia cho rằng công viên này gần Hồng Kông dù trên thực tế nó cách nơi này 1.000km. Rõ ràng là những người quản lý công viên chưa bao giờ xem phim của Michael Bay, những bộ phim vui vẻ khiêu chiến với tất cả các sự chính xác: từ địa lý tới hình học tới cốt truyện.

Transformers: Age of Extinction

“Tại sao tất cả các ô tô ở Hồng Kông lại có vô-lăng bên trái?” một khán giả hỏi trên weibo, phiên bản Twitter của Trung Quốc, nơi nhiều khán giả tụ tập bàn tán về những sản phẩm xuất hiện trên phim. “Tại sao một người đàn ông sống ở sa mạc Texas lại có thẻ rút tiền từ Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc?”

Đây có lẽ hình ảnh phản ánh chính xác một thể loại phim hướng về phương Đông mới của Hollywood, phim có mục đích đâm thủng chính sách chỉ tiêu phim nước ngoài được ra mắt mỗi năm ở nước này, bằng cách biến những phim Hollywood thành phim “hợp tác” giữa nước ngoài và Trung Quốc.

Làm việc với các đối tác Trung Quốc gồm Jiaflix Enterprises và China Movie Channel, những nhà sản xuất Transformers phần bốn quay một phần bộ phim ở Trung Quốc. Các diễn viên Trung Quốc như Lý Băng Băng và Hàn Canh xuất hiện trong những vai nhỏ, và những thương hiệu tiêu dùng của Trung Quốc được đặt rải rác trong phim, dù sự quảng bá lạ lùng nhất trong suốt bộ phim có lẽ là dành cho chính quyền Trung Quốc. Trong khi phương Tây được thể hiện qua những tay điệp vụ CIA biến ông tổng thống dốt nát thành bù nhìn, cách chính phủ Trung Quốc phản ứng với sự xâm lược của đám rôbô là bằng những hành động quyết đoán, hiệu quả. "Transformers: Age of Extinction là một bộ phim đầy tình yêu nước,” Variety nói, “chỉ có quốc gia ở đây là Trung Quốc chứ không phải Mỹ.”

Đạo diễn Michael Bay tại Công viên Quốc gia Vũ Long Karst, Trùng Khánh, Trung Quốc

Khi Mỹ còn đối đầu với Liên Xô, từ Hollywood là những phim bôi nhọ đầy hiếu chiến một cách không thương xót, như được thấy trong các phim như Red Dawn (1984) hay Rocky V (1990). Nhưng Nga hồi đó không như Trung Quốc bây giờ, nơi chứa phim trường lớn nhất thế giới và thị trường phim đang lớn mạnh với tốc độ hàng đầu. Năm ngoái Trung Quốc vượt qua Nhật trở thành thị trường phim thứ hai thế giới. Năm nay, doanh thu phòng vé tăng 33% trong quý 1 với 1,13 tỉ USD, được giúp phần nào bởi Transformers, tới nay thu về 306 triệu USD ở Trung Quốc, hơn cả doanh thu ở Bắc Mỹ, 227 triệu USD. Theo Variety, đây là một tỷ lệ “chưa bao giờ có được”. Trong một năm, trong khi doanh thu phòng vé Mỹ tụt dốc không phanh, giảm 20% so với năm ngoái, phòng vé Trung Quốc vẫn tăng đều, dự tính lên tới 4,8 tỉ USD tới cuối năm. Tới năm 2020, thị trường Trung Quốc được ước đoán sẽ vượt qua thị trường Bắc Mỹ.

“Điều đang thúc đẩy sự lớn mạnh này là họ đang xây thêm rạp chiếu phim với tốc độ chóng mặt,” Rob Cain, một nhà sản xuất phim chuyên về hợp tác Trung-Mỹ, cho biết. Ông dự đoán với tốc độ hiện nay – từ 10 tới 13 rạp chiếu phim mói được mở mỗi ngày – trong vòng 10 tới 15 năm nữa, Trung Quốc sẽ có 60.000 phòng chiếu. “Trọng lực của ngành đang chuyển sang Trung Quốc và châu Á – không chỉ thị trường mà nơi các nhà làm phim Mỹ nên đầu tư tiền tài – quan điểm của họ đang dần quan trọng hơn. Trung Quốc sẽ không chỉ trở thành thị trường lớn nhất mà còn sẽ trở thành người quyết định phim thế nào nên được làm ra.”

Pacific Rim

Những người lo lắng rằng Hollywood sẽ trở thành bộ phận giải trí chính của Trung Quốc đang lo lắng quá muộn màng – Trung Quốc đã nắm vai trò đó từ lâu. Thật khó bỏ qua những yếu tố châu Á trong những phim bom tấn mùa hè qua – dù có nhìn đâu cũng thấy phim có bối cảnh từ Bắc Kinh tới Macau, có diễn viên Trung Quốc trong vai khách mời, xuất hiện các sản phẩm mà khán giả phương Tây chưa bao giờ nghe tới. World War Z (2013) cắt bỏ một đoạn phim cho biết dịch thây ma bắt đầu ở Trung Quốc, nhân vật phản diện người Hoa bị loại khỏi Pirates of the Caribbean: At World’s End (2007) và Men in Black 3 (2012). Khi biên kich Battleship (2012) nộp kịch bản mà người ngoài hành tinh chỉ tấn công bờ biển Mỹ, họ bị từ chối vì kịch bản “nặng về nước Mỹ quá”. Ngày nay, những con quái vật tiến thẳng bờ biển phía tây Mỹ, phá hủy San Francisco rồi sang Philippines, tất cả dải Thái Bình Dương, hay đe dọa tận Hawaii và Hồng Kông, như Godzilla (2014) hay Pacific Rim (2013) đã làm – đây có lẽ là một phép ẩn dụ cho sự xâm lược Hollywood của phương Đông.

“Mười năm trước, Trung Quốc chỉ là một thị trường người ta nghĩ thoáng qua,” Bruce Nash, chuyên gia phân tích phòng vé, cho biết. Ông chỉ ra việc phòng vé Trung Quốc thu về 100 triệu USD từ Avatar của James Cameron và việc năm 2012, Trung Quốc tăng chỉ tiêu số phim nước ngoài được chiếu lên 34 phim mỗi năm (tăng từ 20 phim mỗi năm, với điều kiện 14 phim được thêm được chiếu ở dạng 3D hoặc Imax). Ông cho đây là những hoạt động chủ chốt trong sự tiến hóa thị trường của nước này. “Thu được 100 triệu USD chỉ trong một khu vực duy nhất là hiện tượng lớn. Để trở thành bộ phim lớn nhất mùa hè bạn phải có ngân sách khoảng 400 triệu. Để hòa vốn từng đó, doanh thu ở Trung Quốc cũng không thể kém doanh thu ở Mỹ, vì thế người ta phải tìm cách thu hút được cả hai thị trường và không xúc phạm ai cả.”

Tất nhiên không thiếu những bước hụt. Năm ngoái Iron Man 3 được công nhận là phim hợp tác nhưng cuối cùng lại chiếu hai bản phim hoàn toàn khác nhau. Trong bản chiếu ở Trung Quốc, một bác sĩ Ngô (diễn viên gạo cội Vương Học Kỳ đóng) thấy Iron Man chống lại The Mandarin trên truyền hình và nói (bằng tiếng Trung): “Anh ấy không phải làm điều này một mình, Trung Quốc có thể giúp” trước khi rót một ly sữa hiệu Yili của Trung Quốc. Sau đó khi Tony Stark quyết định không làm Iron Man nữa, anh đến Trung Quốc để được phẫu thuật – những cảnh này đều bị cắt khỏi phiên bản chiếu ở Mỹ. “Chẳng ai đến Trung Quốc chữa bệnh cả,” một blogger ở Bắc Kinh tên Eric Jou nói đùa trong bài viết “Tại sao khán giả Trung Quốc ghét Iron Man 3 phiên bản Trung Quốc.”

Vương Học Kỳ (trái) trong vai bác sĩ Ngô trong cảnh Tony Stark tới Trung Quốc phẫu thuật

Cùng lúc đó, cách phủ nhận dân tộc của nhân vật The Mandarin – trong truyện tranh là một nhân vật phản diện chính thống được xây dựng có gốc gác là người Mãn, trong phim lại biến thành một diễn viên thất nghiệp bị lừa đảo, do Ben Kingsley đóng – khiến nhiều người hâm mộ truyện tranh tức giận. “[Đạo diễn Shane] Black (và Marvel) đã vứt bỏ hàng thập kỷ lịch sử Iron Man, biến kẻ thù nguy hiểm nhất của Iron Man trở thành một trò đùa,” một khán giả bình luận. Đây là một bài toán khó giải: nhiều yếu tố hấp dẫn của truyện tranh có được từ những hình mẫu người nước ngoài đáng sợ - những kẻ da vàng rùng rợn, tay Hung Nô độc ác, vân vân. Nếu làm dịu những khuôn mẫu ấy để lấy lòng khán giả của những dân tộc này, bạn lại làm giảm bản chất của nhân vật.

Trong khi Iron Man 3 vẫn thu về 121 triệu ở Trung Quốc, nhưng việc bộ phim có hai phiên bản khác nhau cho thấy nỗ lực toàn cầu hóa của Hollywood cũng có hạn. Transformers: Age of Extinction thật ra cũng là hai phim, nửa đầu diễn ra ở Bắc Mỹ với cao trào là cuộc chiến rôbô ở Chicago, nửa thứ hai diễn ra ở Trung Quốc, với một trận chiến rôbô còn máu lửa hơn ở Hồng Kông. Trong khi Hollywood nỗ lực đáp ứng nhu cầu của mọi thị trường, nó đang tự làm khó bản thân trong chất lượng kịch bản hay sự kết nối với khán giả. “Hollywood càng dấn thân vào những mối quan hệ thay đổi này thì sẽ trở nên thuần thục hơn,” Phil Contrino, nhà phân tích chính của BoxOffice.com, nói. “Tôi nghĩ từ Iron Man 3 tới Transformers cũng đã có tiến bộ ra trò. Đây là những bước đầu của thị trường tiềm năng này. Những bước đầu bao giờ cũng không vững vàng nhưng sự thuần thục chỉ đến khi có thời gian. Với việc doanh thu Trung Quốc của Transformers vượt cả doanh thu Bắc Mỹ là một hiện tượng đột phá trong hai văn hóa phim.”

Lý Băng Băng (phải) cùng Stanley Tucci trong Transformers: Age of Extinction

Đây thực sự là thời kỳ đầy lý thú cho Hollywood, nơi mà từ lâu vì các yếu tố địa lý, lịch sử, thị hiếu khán giả, đã chiếm vị trí thị trường điện ảnh khổng lồ không ai địch nổi, nhưng giờ đây đã trở thành hộp chơi nhạc, cho các quốc gia khác muốn nghe gì, xem gì thì tùy tiện thả đồng xu điều khiển.

Theo một góc nhìn nhất định, sự cạnh tranh ngày nay giống thời phim câm, khi những rạp chiếu châu Âu và Mỹ cạnh tranh với những bộ phim sử thi - Intolerance (1916) là câu trả lời của hãng DW Griffith trong nỗ lực vượt mặt bộ phim kinh điển năm 1914 của Ý Cabiria.

Với việc đưa âm thanh vào điện ảnh, chúng ta dựng lên rào cản ngôn ngữ quanh tất cả các hãng phim của các quốc gia trừ những quốc gia có thể lợi dụng ngôn ngữ chung là tiếng Anh. Mỹ bắt đầu leo lên đỉnh cao của ngành điện ảnh. Năm 1950, nhà sản xuất phim hãng Stagecoach Walter Wanger đánh giá rằng Hollywood đang tuyên truyền những giá trị văn hóa Mỹ cho một thế giới còn chưa ý thức được mình đang tiếp nhận những giá trị đó.

Khủng long của Steven Spielberg đã thay đổi sự cân bằng này. Năm 1993, Jurassic Park đưa doanh thu của Hollywood ở nước ngoài vượt cả mức doanh thu trong nước, lần đầu trong lịch sử, và con số chênh lệch đó đang dần tăng mỗi năm. Giờ doanh thu ngoài nước cao hơn trong nước tới 70%. Thỉnh thoảng, người Mỹ tự hỏi những bộ phim được họ yêu thích như Zoolander không được làm tiếp trong khi những phim “thất bại” như BattleshipPacific Rim lại sẽ có phần tiếp theo. Trên thực tế chúng không hề thất bại. Khán giả Mỹ chưa bao giờ thiếu quyền lực như bây giờ.

Jurassic Park

“Thị trường nước ngoài đã thay đổi hoàn toàn điện ảnh Mỹ,” nhà nghiên cứu lịch sử điện ảnh Neal Gabler nói. “Khiếu thẩm mỹ rằng mọi thứ phải to hơn, nhanh hơn, vang hơn chính là sở trường của chỉ nước Mỹ thôi. Đó là lý do phim của chúng ta thành công như vậy. Đó là một phần của văn hóa. Nhưng chúng ta lại là nạn nhân của chính thành công của mình. Những thứ khiến phim chúng ta được yêu thích ở nước ngoài giờ lại còn lớn hơn khả năng có thể tự giữ cân bằng cho bản thân của thị trường Mỹ.”

Liệu Trung Quốc có thể trở nên lớn mạnh hơn Hollywood trong lĩnh vực sản xuất thay vì chỉ tiêu thụ phim không vẫn là một câu hỏi ngành điện ảnh đang quan tâm. Một hậu quả của cơn bão phim Mỹ đổ vào thị trường châu Âu sau Thế chiến II là chúng dẫn tới một làn sóng phim Pháp mới, khi cả một thế hệ nhà làm phim Pháp đưa trở về Mỹ những phiên bản phim trinh thám với diễn viên nói tiếng Anh giọng Pháp đặc, tôn vinh những bộ phim họ từng xem khi còn nhỏ. Phải chăng sẽ có ngày khán giả Mỹ sẽ đeo kính 3D xem Lý Liên Kiệt cứu thế giới thoát khỏi người ngoài hành tinh trong một phim bom tấn Trung Quốc?

Phản hồi từ Trung Quốc: “Hộp sữa khiến khán giả phát điên”

Vào xem phim Transformers: Age of Extinction được hai tiếng, khán giả trong các rạp chiếu phim Trung Quốc bắt đầu bật lên những tràng cười bối rối với những khoảnh khắc hài hước không cố ý, Charles Clover kể lại. Khi diễn biến phim chuyển từ Texas và Chicago sang Bắc Kinh và Hồng Kông, những sản phẩm Trung Quốc bắt đầu xuất hiện còn nhanh hơn tốc độ đạn Autobot bay trong không trung.

Thời điểm giọt nước tràn ly là khi diễn viên Stanley Tucci, trong vai một nhà bác học tỉ phú đang bị CIA truy đuổi, chạy trốn lên tầng thượng của một tòa nhà ở Hồng Kông. Trên tầng thượng đó, vì một lý do khó hiểu nào đó, lại có một cái tủ lạnh, và trong tủ lạnh là một hộp sữa thương hiệu Yili Shuhua của Trung Quốc, và Tucci đứng đó tu sữa mất sáu giây.

Quảng cáo sữa Yili Shuhua xuất hiện trong tận hai phần phim Transformers: Age of Extinction (trái) và Dark of the Moon

Tới thời điểm này, khán giả Trung Quốc đã phải chịu đựng những màn quảng cáo trá hình từ Red Bull Trung Quốc tới Lenovo tới thịt vịt quay Zhou Hei, nhưng không hiểu sao “hộp sữa đó khiến khán giả phát điên”, Jiang Xiaoyu, nhà phê bình phim cho CCTV và chủ tịch Hiệp hội Quảng bá Điện ảnh Trung Quốc, cho biết. Jiang cho rằng bộ phim này thuộc một thể loại phim mới của Hollywood: “sản phẩm giao hàng đặc biệt cho thị trường Trung Quốc”.

“Những phim này đang lợi dụng người tiêu dùng Trung Quốc, những người cảm thấy thích được nịnh bằng cách có sản phẩm Trung Quốc trong phim Hollywood. Họ giống những ông giám đốc cảm thấy sướng khi thấy logo của mình trên nóc tòa nhà,” anh nói.

Phần bốn Transformers là ví dụ rõ ràng và trơ trẽn nhất, nhưng cũng là phim có thành công thương mại nhất ở Trung Quốc. “Mô hình kinh doanh của họ đúng, dù không hề phù hợp cho bộ phim,” Jiang thừa nhận. Khán giả cũng nhanh chóng tha thứ cho sự quảng cáo dày đặc không khác gì trên kênh truyền hình mua sắm trực tuyến, vì sau 26 ngày công chiếu, bộ phim thu về 306 triệu USD ở Trung Quốc.

Máy tính Lenovo của Trung Quốc xuất hiện rõ ràng trong Transformers: Dark of the Moon

Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc, vitamin Nutrilite, nước C’est bon, kênh truyền hình trực tuyến LeTV – tất cả đều xuất hiện theo một cách lạ lùng và không có chút lý giải gì trong cuộc chiến xuyên dải ngân hà của đám rôbô. Nhưng một số công ty Trung Quốc lại hậm hực vì xuất hiện với thời lượng quá ngắn sau khi đã đổ nhiều tiền vào bộ phim. Khách sạn Pangu ở Bắc Kinh từng đệ đơn kiện Paramount Pictures không cho họ đủ thời lượng xuất hiện trên phim.

Mối duyên giữa Hollywood và Trung Quốc mới chỉ đang bắt đầu. Từ cuối năm 2012, số phòng chiếu phim ở Trung Quốc đã tăng từ 13.185 phòng chiếu lên 22.000. Vào thời điểm này, khán giả Trung Quốc cũng chưa quá khó tính. “Thị trường Trung Quốc giống một siêu thị thử nghiệm – có nhiều giá xếp hàng nhưng lại chỉ có một sản phẩm,” Zhang Xiaobei, người sáng lập một chương trình bình luận trên CCTV, nói. “Khán giả chưa quan tâm phim cụ thể có gì. Cứ chiếu phim gì là họ xem phim nấy.”

Dịch: © Xuân Hiền @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Financial Times


Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên Facebook của chúng tôi